Lịch sử phát triển

Trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang ngày nay tiền thân là trường Dự bị đại học Phú Khánh được thành lập ngày 06/12/1976 trên cơ sở tiếp quản Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải.

Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải được thành lập ngày 15/8/1971, Viện có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ giáo dục xã hội cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và 2 thị xã Nha Trang và Cam Ranh dưới chế độ cũ. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 17/6/1975 Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) ra Chỉ thị số 222-CT/TW về công tác giáo dục đại học và chuyên nghiệp ở miền Nam; Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ trong thời gian trước mắt là: “…cải tạo cơ sở giáo dục của chế độ cũ, xây dựng bộ máy quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh; sửa đổi chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, nghiên cứu sắp xếp lại mạng lưới các trường, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Đại học (ĐH) và Trung học chuyên nghiệp (THCN) tiếp quản các trường đại học ở miền Nam để quản lý và tổ chức giảng dạy”. 

Thực hiện Chỉ thị số 222-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong thời gian chờ Bộ Đại học và THCN vào tiếp quản, chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hòa tạm thời quản lý Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải và đổi tên thành trường Đại học Duyên hải (theo QĐ số 60/VP/UB ngày 30/11/1975); Ban điều hành lâm thời trường Đại học Duyên hải được thành lập gồm các thầy: Ngô Đình Chiếu, thầy Trương Hồng Sơn và thầy Nguyễn Đức Minh, trong đó thầy Ngô Đình Chiếu, giảng viên ngoại ngữ làm Trưởng ban, thầy Trương Hồng Sơn, Phó ban. Nhiệm vụ cấp bách của Ban điều hành lúc này là củng cố tổ chức, tập hợp cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CBGVCNV) và sinh viên còn lại, bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất của trường hiện có (khu 46, 48 Nguyễn Thiện Thuật và số 04 Yersin. Riêng khu Đại Hàn, Đồng Đế và 3 biệt thự tại số 40, 42, 44 Nguyễn Thiện Thuật do bộ đội trưng dụng) và thực hiện nhiệm vụ do Ty Giáo dục và UBND Cách mạng tỉnh Khánh Hòa giao. 

Tổng số CBGVCNV còn lại là 48 người (Khoa Sư phạm:13; Khoa Chuyên nghiệp:10; bộ phận hành chính:14, Kế toán - Tài vụ: 07, phục vụ phòng thí nghiệm: 04); số sinh viên (SV) gồm Ban Sư phạm: 306 SV và 102 SV Ban Điện tử và Ngư nghiệp (do sát nhập số SV của Phân khoa Căn bản vào 02 Ban Điện tử và Ban Ngư Nghiệp). Riêng Ban Sư phạm được giải thể theo quyết định của Ban Giáo dục Khu Trung Trung bộ nên 114 SV Ban Sư phạm được bố trí công tác về một số trường học và địa phương miền núi của tỉnh, còn lại 192 SV được chuyển sang học tiếp tục tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là trường Đại học Khánh Hòa). Số sinh viên Ban Điện tử và Ngư nghiệp được tiếp tục đào tạo đến hết tháng 9/1977.

Tháng 8 năm 1975, Bộ ĐH và THCN điều động ông Nguyễn Xuân Nhung và ông Nguyễn Hoàng vào tiếp quản nhà trường; tuy nhiên mãi đến ngày 01/4/1976 nhà trường mới chính thức trực thuộc Bộ ĐH và THCN và đổi tên thành trường Đại học Duyên hải. Đầu năm 1976, theo nguyện vọng và nhu cầu công tác, Bộ ĐH và THCN tiếp tục điều động ông Lê Thưởng và ông Trần Quang về trường cùng với ông Nguyễn Xuân Nhung, ông Nguyễn Hoàng thành lập Ban phụ trách trường Đại học Duyên hải. Trong đó ông Nguyễn Hoàng làm Trưởng ban, Trần Quang: Phó ban, Phụ trách Giáo vụ; Nguyễn Xuân Nhung: Phó ban, Phụ trách Tổ chức cán bộ - Hành chính kiêm Bí thư chi bộ, Lê Thưởng: Phó ban, Phụ trách Vật tư, Tài vụ. Từ đây Chi bộ trường được thành lập để lãnh đạo nhà trường. 

Ngày 18 tháng 3 năm 1976, Bộ ĐH và THCN và UBND Cách mạng tỉnh Phú Khánh (do Ty Giáo dục Phú Khánh làm đại diện) ký biên bản bàn giao trường Đại học Duyên hải do Bộ ĐH và THCN quản lý theo quy định. Ngày 01 tháng 4 năm 1976, trường Đại học Duyên hải chính thức trực thuộc Bộ ĐH và THCN và đi vào hoạt động theo quy định chung của các trường đại học, cao đẳng ở miền Nam sau ngày giải phóng cho đến đầu năm học 1978-1979 khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ dự bị đại học (mặc dù trước đó nhà trường đã có Quyết định đổi tên thành trường Dự bị đại học Phú Khánh từ ngày 06/12/1976).

Ngày 06 tháng 12 năm 1976 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 240/CP chuyển Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải thành trường Dự bị đại học Phú Khánh trực thuộc Bộ Đại học và THCN (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Từ đây mở ra cho nhà trường một thời kỳ mới với nhiệm vụ vô cùng mới mẻ đó là: bồi dưỡng văn hóa cho đối tượng học sinh trong diện chính sách: con cán bộ, gia đình có công với cách mạng, con liệt sĩ, con thương binh, bộ đội xuất ngũ, cán bộ đi học, những người đã trải qua chiến đấu, sản xuất và công tác không trúng tuyển vào đại học được xét tuyển vào học hệ dự bị đại học của các trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Tài chính - Kế toán TP. HCM, Đại học Hải sản (nay là Đại học Nha Trang), Đại học Sư phạm Quy Nhơn (này là Đại học Quy Nhơn), Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội để học sinh có đủ điều kiện chuyển thẳng vào học năm thứ nhất đại học. Tuy nhiên do cơ sở vật chất của trường chật hẹp với 02 khu 46 và 48 Nguyễn Thiện Thuật, chỉ đủ chỗ để cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc và đào tạo số sinh viên của trường Đại học Duyên hải, mãi đến năm học 1978-1979, nhà trường mới thực hiện nhiệm vụ này.

Tổng kết 11 năm đào tạo hệ dự bị đại học cho các trường đại học giai đoạn 1978-1989, qua 11 khóa, trường Dự bị đại học Phú Khánh đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử. Nhà trường đã đào tạo 921 học sinh (HS) hệ dự bị đại học, trong đó có 299 nữ, 111 HS người dân tộc thiểu số, gồm 16 dân tộc. Số HS được chuyển vào học năm thứ nhất các trường: Đại học Tây Nguyên: 394 HS, Đại học Hải sản: 263 HS, Đại học Sư phạm Quy Nhơn: 224 HS, Đại học Tài chính - Kế toán TP.HCM: 14 HS và Cao đẳng Kiểm sát: 06 HS. 

Trong số đó có học sinh đã trở thành những cán bộ chủ chốt của các địa phương trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học, giáo dục như: TS. Y Ghi Niê, CVCC, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ĐắkLắk (khóa 3), Ths. Bùi Tấn Sĩ, Phó Tổng biên tập báo Gia Lai (khóa 1), Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định (khóa 2), Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng trường Quốc học Quy Nhơn (khóa 2), Phan Văn Thế, Chủ tịch UBND TP. Kon Tum (khóa 3), Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng (khóa 3), Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (khóa 6); Trần Thanh Long, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông (khóa 4), Đỗ Văn Phu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi (khóa 4), TS. Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP. HCM (khóa 2)....

Song song với đào tạo hệ dự bị đại học cho các trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Hải sản, Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Đại học Tài chính - Kế toán TP. HCM và Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội; nhà trường được Bộ ĐH và THCN giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng Tiếng Anh từ năm 1978 đến năm 1984 cho đối tượng là cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Nhà trường đã mở 6 lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho 171 học viên. Số học viên này sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, về nước công tác đã phát huy hiệu quả kiến thức ngoại ngữ đã học. Trong đó có những học viên trở thành những cán bộ lãnh đạo của các ban, ngành địa phương như: TS. Nguyễn Xuân Thao, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên, Huỳnh Thị Xuân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh ĐắkLắk.

Nhằm nâng cao trình độ kiến thức văn hóa, tạo nguồn vững chắc cho công tác đào tạo, phát triển nhanh chóng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế là người dân tộc thiểu số cho các địa phương Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh duyên hải miền Trung Trung bộ; thực hiện Công văn số 177/KHTK của Bộ ĐH và THCN; từ năm học 1983-1984 trường Dự bị đại học Phú Khánh nhận nhiệm vụ đào tạo dự bị đại học hệ 2 năm dành cho học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh duyên hải miền Trung từ Bình Trị Thiên đến Thuận Hải và 3 tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, ĐắkLắk và Gia Lai - KonTum đã tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng chưa đủ điều kiện theo học các trường đại học, cao đẳng, TCCN. 

Trải qua 15 khóa từ niên khóa 1983-1985 đến niên khóa 1997-1999, từ trường Dự bị đại học Phú Khánh sang trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang (theo Công văn số 1519/KH-TV ngày 06/11/1989 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi tên thành trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang); từ nhiệm vụ đào tạo hệ dự bị đại học cho các trường ĐH, CĐ chuyển sang nhiệm vụ đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; nhà trường đã góp phần tích cực tạo nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. 

Qua 15 năm đào tạo dự bị đại học dân tộc hệ 2 năm, nhà trường đã đào tạo: 1711 HS, chuyển vào học các trường đại học, cao đẳng, TCCN: 1527 HS, có 04 HS được cử đi đào tạo tại trường Đại học Hoàng gia Campuchia và Đại học Tổng hợp nước CHDCND Lào. Trong đó có những học sinh dân tộc thiểu số trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt hoặc thành đạt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, Quảng Nam, Mấu Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa, Bố Thị Xuân Linh, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, Thanh Thị Kỷ, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Bình Thuận, Đinh Nhật Rol, Bác sĩ CK1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, H’Yim Kđok, Phó chủ tịch UBND tỉnh ĐắkLắk, Y Bang Hđơt, Chủ tịch UBND huyện Lắk, ĐắkLắk, Tài Năng Sốt, Bác sĩ, Phó giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Ninh Thuận, K’Sa Ha Xuyên, Phó trưởng ban Dân tộc HĐND huyện Lạc Dương, Lâm Đồng….

Từ năm học 1999-2000 đến nay, thực hiện Quy chế “Tuyển chọn, tổ chức đào tạo và xét tuyển vào đại học, cao đẳng đối với học sinh dự bị đại học” ban hành theo Quyết định số 37/1999/QĐ-BGD&ĐT, Quyết định số 09/2005/QĐ-BGD&ĐT và Thông tư số 25/2010/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 25), trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang đã đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc 01 năm với 8830 học sinh gồm 42 dân tộc, có 8463 (96,05%) HS đủ điều kiện được chuyển vào học tại 63 trường đại học, học viện, cao đẳng, TCCN trên phạm vi cả nước và đào tạo 02 lớp riêng với 67 HS dân tộc thiểu số của tỉnh Khánh Hòa.

Trải qua 40 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng hệ dự bị đại học, dự bị đại học dân tộc, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng 11.462 HS chuyển 10.887 HS vào học tại 63 trường đại học, học viện, cao đẳng, TCCN trong cả nước (chiếm tỉ lệ 94,9 %) trong đó có 04 học sinh dân tộc thiểu số được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học tại nước bạn Lào và Campuchia.

Nhằm tạo điều kiện giáo viên của trường tiếp cận với chương trình phổ thông trung học, đồng thời đáp ứng yêu cầu học tập của con em cán bộ và nhân dân thành phố Nha Trang, theo đề nghị của trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 458/UB ngày 10 tháng 7 năm 1992 thành lập trường Phổ thông trung học Dân lập Nguyễn Thiện Thuật do trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang chủ quản. Từ 05 lớp học đầu tiên năm học 1992-1993 với 225 HS, đến nay nhà trường đã có trên 20 lớp với lưu lượng hàng ngàn học sinh. Tỉ lệ bình quân hàng năm đậu tốt nghiệp THPT xấp xỉ bằng hoặc hơn tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh. Trải qua 24 năm với 22 khóa, trường Phổ thông trung học Dân lập Nguyễn Thiện Thuật đã cung cấp cho tỉnh nhà gần 10.000 HS tốt nghiệp THPT (chưa kể số HS đang học). Với thành tích đạt được trong 24 năm qua, nhà trường đã được công nhận Tập thể lao động xuất sắc; được UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có về kinh tế, du lịch của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa; được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang thành lập Trung tâm Ngoại ngữ, Hiệu trưởng trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang đã ban hành Quyết định số 25/DBĐHDTNT ngày 25 tháng 7 năm 1992 thành lập Trung tâm Ngoại ngữ liên kết với trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) đào tạo tiếng Anh trình độ A,B,C và đại học hệ vừa làm vừa học nhằm đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ cho con em, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trong xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới. Từ một vài lớp học ban đầu đến nay, Trung tâm đã đào tạo hàng ngàn học viên Tiếng Anh trình độ A,B,C. Đối với các lớp đại học ngoại ngữ vừa làm vừa học, Trung tâm đã đào tạo 19 khóa, tốt nghiệp ra trường với 1431 học viên và 01 khóa đào tạo thạc sĩ ngành Tiếng Anh gồm 18 học viên cao học. Số học viên sau khi tốt nghiệp đã phát huy hiệu quả đào tạo góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong các lĩnh vực, nghiên cứu, học tập và nhất là phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch của tỉnh nhà .

Bên cạnh đó nhà trường còn liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo 4 khóa cử nhân Cao đẳng Công nghệ Mía đường với hơn 300 SV là công nhân của các Công ty Đường khu vực miền Trung và Tây Nguyên được cử đi học để nâng cao trình độ. 

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tổng số CBGVCNV là 48 người, trong đó có 23 GV. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: đại học: 20 (41,7 %), sau đại học: 03 (6,2 %), trung cấp trở xuống: 25 (52,1 %). Hiện nay toàn trường có 88 CBCCVC gồm: thạc sĩ: 41 (46,6 %), đại học, cao đẳng: 37 (42,1 %), trình độ khác: 10 (11,3%) trong đó có 08 GV đang học cao học và 01 GV làm NCS. Đội ngũ giảng dạy: 64 GV. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư trung ương Đảng, Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đội ngũ CBGV của trường ngày càng không ngừng phát triển cả về chất lượng và số lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

Về cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất của Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải gồm khu 46, 48, 03 biệt thự Pháp tại số 40, 42, 44 Nguyễn Thiện Thuật, cơ sở số 04 Yersin và khu Đại Hàn, Đồng Đế gần 90 hecta (nay là thôn Liên Thành, xã Vĩnh Phương TP. Nha Trang). Sau giải phóng, cơ sở số 04 Yersin giao cho trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Riêng khu Đại Hàn, khi bộ đội vào giải phóng Nha Trang trưng dụng, nay là trường Trung cấp kỹ thuật miền Trung, Bộ Quốc Phòng và 03 biệt thự Pháp tại 40, 42, 44 Nguyễn Thiện Thuật do bộ đội Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Khánh giữ. Do đó, nhà trường còn lại 02 khu đất tại địa chỉ số 46 và 48 đường Nguyễn Thiện Thuật - nay là trụ sở chính của trường có tổng diện tích 3375m2; trong đó gồm: 02 ngôi biệt thự Pháp, 02 nhà mái vòm tiền chế; 03 dãy nhà cấp 4 lợp ngói và 01 nhà sàn gỗ làm phòng học, phòng thí nghiệm phòng đọc, phòng làm việc, 01 hội trường khoảng 100 chỗ, nhà kho, nhà để xe và phòng ở nội trú cho SV.

Được sự quan tâm đầu tư có hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình 7); đến nay nhà trường đã có khu ký túc xá khang trang 5 tầng với 88 phòng ở có công trình vệ sinh khép kín cho gần 1000 HS nội trú, 01 nhà ăn có sức chứa 350 HS/ca, hội trường có chỗ ngồi cho 350 người, 04 phòng vi tính với trên 150 máy, phòng đọc cho CBGV và học sinh với trang thiết bị vi tính có đường truyền để truy cập thông tin. Khu hiệu bộ gồm 13 phòng làm việc và phòng họp đầy đủ các phương tiện làm việc, làm cho CBGV và học sinh yên tâm, phấn khởi giảng dạy và học tập tạo môi trường giáo dục thân thiện, học sinh tích cực. Khu giảng đường 7 tầng với 30 phòng học khang trang, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách dân tộc, là niềm tự hào của thầy và trò trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang; đồng thời đây cũng là trách nhiệm to lớn của toàn trường trong việc bảo quản, sử dụng hiệu quả công trình này, nhằm tạo ra môi trường sư phạm tốt để giáo dục và rèn luyện học sinh. 

Nhà trường đã được UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 24/12/2012) với diện tích khu trường mới là 6,65 ha và tổng vốn đầu tư là 980 tỷ tại khu trường học, đào tạo và dạy nghề Bắc Hòn Ông, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang. Việc xây dựng khu trường mới sẽ chia làm 3 giai đoạn, hiện nhà trường đang tiến hành giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư là 165 tỷ, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 2016 và hoàn thành vào tháng 4 năm 2018.

Trong phong trào thi đua dạy tốt và phục vụ tốt, xây dựng tập thể lao động xuất sắc, CBCCVC đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến trong giảng dạy và công tác. Đã có 130 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm được nghiệm thu và ứng dụng có hiệu quả trong công tác quản lý và giảng dạy. Nhiều CBGV được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, giảng viên dạy giỏi và nhiều tập thể được công nhận Tập thể lao động xuất sắc, Tập thể lao động tiên tiến.

Các phong trào “ Kỷ cương tình thương và trách nhiệm”, phong trào “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”, phong trào “Mái ấm công đoàn”, ủng hộ GV và HS vùng khó khăn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, quỹ “Vì trẻ em”, quỹ “Vì người nghèo” đều được toàn thể CBCCVC tích cực hưởng ứng. 

Trên cơ sở tự chủ tài chính, nhà trường tiết kiệm chi, hỗ trợ thêm cho CBCCVC. Vì vậy đời sống vật chất và tinh thần của CBCCVC đã từng bước được cải thiện và nâng cao.

Thực hiện công khai dân chủ các chế độ chính sách có liên quan đến CBCCVC, học sinh như: học bổng, lương, hưu trí, BHXH, BHYT, chế độ nghỉ dưỡng, chỉ tiêu tuyển sinh, ngân sách Nhà nước được cấp và việc chi tiêu ngân sách, phân bổ kinh phí để CBCCVC biết và giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách trên.

Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho HS và CBCCVC toàn trường thông qua Tuần Giáo dục công dân đầu năm học theo sự chỉ đạo của Vụ Công tác HSSV- Bộ GD&ĐT và các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực giáo dục; các thông tư liên bộ giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về công tác ANTT trong trường học; thực hiện tốt cuộc vận động “Hai không” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” góp phần xây dựng cơ quan văn hoá, khu dân cư văn hoá không có các tệ nạn xã hội, không có tình trạng khiếu kiện đông người.

Vì vậy trong nhiều năm qua, nhà trường không có trường hợp nào CBGV và học sinh nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật, được UBND tỉnh Khánh Hoà công nhận là Cơ quan đạt chuẩn văn hoá, liên tục nhiều năm liền là đơn vị có phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh, được Bộ Công an và UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen. Nhà trường liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.

Với thành tích đạt được trong 40 năm qua, tập thể và CBCCVC nhà trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng:

- Huân chương lao động hạng ba năm 1993, 2003, 2011

- Huân chương lao động hạng nhì năm 2003.

- Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 1998, 2009, 2013, 2016

- Bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

- Bằng khen của cấp bộ, ngành trung ương: Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động-TBXH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công an.

- Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Công đoàn GDVN.

- 01 GV được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

- 42 CBGV được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

- 03 CBGV được Bộ Công an tặng Huy chương “ Vì an ninh Tổ quốc”.

- 04 CBGV được TW Đoàn TNCSHCM tặng Huy chương danh dự “Vì thế hệ trẻ”.

- 03 CBGV được Bộ Nội vụ tặng Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp ngành Tổ chức Nhà nước”.

- 01CBGV được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “ Vì sự tiến bộ phụ nữ”.

- 10 CBGV được Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc”.

- Nhiều CBCCVC được các cấp tặng Bằng khen và giấy khen. 

Định hướng của nhà trường trong những năm tới

Đứng trước nhu cầu ngày càng lớn về tạo nguồn đào tạo nhân lực có trình độ đại học về chuyên môn, kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và khu vực miền núi của các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, việc phát triển trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang là yêu cầu thực tế có tính khách quan. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã chỉ rõ: .....“Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu về số lượng...”. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã nêu:… “Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc gia; …Phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường dạy nghề, trường dự bị đại học; nghiên cứu hình thức đào tạo đa ngành bậc đại học… Đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm từng vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…”

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc và ngành Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đề ra phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo với mục tiêu là: 

- Xây dựng trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang trở thành một cơ sở giáo dục chuyên biệt, đặc thù, có uy tín về chất lượng, chuyên tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo cán bộ DTTS, phục vụ yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội các vùng dân tộc thiểu số và khu vực miền núi các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế (trích Đề án phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2025).

- Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn trong nhà trường; mở rộng dân chủ, tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng các hạng mục cơ bản theo thiết kế được duyệt tại khu trường mới Bắc Hòn Ông, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho CBCCVC và người lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. (trích Nghị quyết Đại hội chi bộ trường NK 2015-2020)

Trải qua chặng đường lịch sử 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, trường Dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang thật sự là “cái nôi” bồi dưỡng, ươm mầm tương lai cho các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số trên con đường học tập và phát triển. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức nhà trường rất tự hào và ngày càng trưởng thành về bản lĩnh chính trị, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc của các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, góp phần tích cực tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH của các địa phương trong tiến trình hội nhập của đất nước./.