Phòng Kế hoạch - Tài chính

Phòng Kế hoạch - Tài chính (KH-TC) được hình thành cùng thời điểm nhà trường được thành lập, do ông Nguyễn Lầu sinh năm 1930 làm Kế toán trưởng đầu tiên, với tên gọi trước đây là phòng Tài vụ - Thiết bị. Với chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng giao, từ đó đến nay tuy phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cùng với sự phát triển lớn mạnh của nhà trường, phòng KH-TC đã dần từng bước được củng cố và phát triển.

Kể lại những ngày đầu trường mới thành lập mới thấy hết được những khó khăn, thiếu thốn, vất vả mà đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên toàn trường nói chung và của phòng KH-TC nói riêng phải chịu đựng, cố gắng phấn đấu vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Cả phòng lúc này được biên chế 7 người, bao gồm: 3 kế toán (kể cả kế toán nhà ăn), 1 thủ quỹ kiêm thủ kho, 1 cung ứng vật tư và 2 lái xe. Tuy đội ngũ cán bộ, công nhân viên khá đông song do cơ chế, hoàn cảnh đất nước lúc đó nghèo nàn, lạc hậu, phương tiện làm việc không có, làm việc hoàn toàn bằng thủ công nên gặp không ít khó khăn. Mỗi khi Bộ cấp kinh phí chậm là nhà trường phải nợ lương cán bộ công nhân viên (CBCNV), phải thiếu trước hụt sau các khoản chi tiêu khác. Cán bộ làm công tác cung ứng thì phải đi xếp hàng ở các của hàng lương thực, công nghệ phẩm, chất đốt để lo than củi, gạo nước và các loại nhu yếu phẩm cho CBCNV và học sinh. Khó khăn chồng chất khó khăn, dù Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường đã có nhiều cố gắng, song nói đến kinh phí cũng đành phải đợi. Các cán bộ kế toán lúc đó tuy có 3 người, nhưng trình độ khiêm tốn, chưa một ai có trình độ đại học, tiến độ làm việc rất chậm do hoàn toàn làm bằng thủ công. Điều kiện, phương tiện làm việc lúc đó rất thô sơ, thiếu thốn, nghèo nàn; cả phòng chỉ có một máy tính cơ điện chạy bằng giấy cuộn chỉ thực hiện được 4 phép tính. Cán bộ làm một báo cáo quyết toán quý phải mất rất nhiều thời gian, lên bảng báo cáo, tính toán bằng thủ công, sau đó chuyển cho phòng Hành chính - Tổ chức đánh máy, xong lại phải dò, kiểm tra, đối chiếu… Đây có thể nói là giai đoạn lịch sử nhất, ấn tượng nhất mà các thế hệ cán bộ trẻ, sinh vào những năm sau ngày đất nước thống nhất khó tưởng tượng nổi. Khó khăn là thế, thiếu thốn là thế nhưng với sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, các CBCNV của phòng đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đến thời kỳ sau, khi Đảng và Nhà nước lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới, đất nước như được thay da đổi thịt, đời sống của nhân dân nói chung và của CBCNV nói riêng được nâng lên rõ rệt. Trường chúng ta, được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, liên tục nhiều năm liền được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất từng bước được trang bị hiện đại, điều kiện, phương tiện làm việc được cải thiện đáng kể, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ viên chức ngày càng được nâng cao theo hướng chuẩn hoá cán bộ. Từ bối cảnh chung đó, phòng KH-TC nhà trường có sự lớn mạnh đáng kể - nhất là về chất. Đến nay đã có 100% CBVC có trình độ đại học, đa số còn rất trẻ, độ tuổi trung bình dưới 35, được nhà trường trang bị phương tiện làm việc hiện đại với máy tính, máy in, internet… hỗ trợ đắc lực trong việc làm sổ, tính toán và các mẫu biểu báo cáo, đặc biệt là việc lưu trữ số liệu kế toán và gửi báo cáo. 

Xác định công tác NCKH là cực kỳ quan trọng nên ngoài công tác về chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ nhân viên của phòng KH-TC còn tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học và sáng kiến kinh nghiệm. Phòng đã đóng góp vào công tác NCKH và SKKN của trường 4 đề tài, trong đó 3 đạt loại giỏi và 1 đạt loại khá. Có thể nói, đến thời điểm này phòng KH-TC là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác NCKH của khối các phòng, ban chuyên môn, văn phòng. 

Nhận thức được vị trí quan trọng của công tác đoàn thể trong nhà trường, cùng thống nhất với quan điểm CBVC phải đa năng nên ngoài những nhiệm vụ chuyên môn và NCKH, cán bộ của phòng còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, mang thành tích về cho Công đoàn và nhà trường. Có cán bộ viên chức của phòng đã từng tham gia làm Bí thư Đoàn Thanh niên, nhiều nhiệm kỳ tham gia BCH Công đoàn, có đồng chí đã 2 nhiệm kỳ làm Phó chủ tịch, rồi làm Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Đặc biệt đồng chí nguyên trưởng phòng được sự tín nhiệm cao của CBCCVC, của Cấp uỷ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng từ năm 2007 đến nay.

Năm 2010, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép triển khai xây dựng khu giảng đường 7 tầng với kinh phí trên 21 tỉ đồng. Đây cũng là công trình dự án lớn nhất từ trước đến nay. Với chức năng quản lý tài chính, phòng KH-TC đã giúp BGH quản lý, sử dụng tốt, hợp lý nguồn vốn được cấp. Công trình được hoàn thành, quyết toán đưa vào sử dụng vào năm 2013.

Cựu cán bộ, nhân viên Phòng Kế hoạch - Tài chính
 

Về kế hoạch phát triển tương lai nhà trường trở thành trung tâm đào tạo bồi dưỡng kiến thức văn hóa hệ dự bị đại học dân tộc, tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số cho các vùng đồng bào dân tộc từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. Sau nhiều năm lập và trình dự án, đầu năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới của trường (giai đoạn 1) tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trên diện tích 6,645ha, với số vốn đầu tư trên 165 tỉ đồng. Dự án đang tuần tự thực hiện các bước theo quy định. Xác định nhiệm vụ này hết sức quan trọng, phòng KH-TC sẽ cố gắng tham mưu tốt cho BGH quản lý, sử dụng thật tốt, đúng quy định của Nhà nước về sử dụng nguồn vốn được đầu tư.

Với những cố gắng phấn đấu, vượt mọi khó khăn của tập thể CBVC, phòng KH-TC đã liên tục nhiều năm liền được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là tập thể Lao động Xuất sắc, được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều giấy khen khác của các cấp. 

Kỷ niệm 40 năm thành lập trường (1976 - 2016), tin tưởng rằng phòng KH-TC sẽ tiếp tục là những đơn vị đi đầu, đóng góp công sức cho sự phát triển của Trường dự bị đại học dân tộc trung ương Nha Trang giai đoạn hiện tại và tương lai